Tin chuyên ngành

GIẤY CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ (CERTIFICATE OF ORIGIN-C/O) – MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT

Hiện nay, Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O là một trong những giấy tờ quan trọng với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước. Nó không chỉ giúp các mặt hàng nhập khẩu có giấy tờ hợp pháp về xuất xứ mà còn giúp các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu với các loại C/O hưởng ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ được những thông tin cần thiết bắt buộc phải có của C/O hay làm thế nào để C/O được coi là hợp lệ. Điều này rất quan trọng vì nếu C/O không đáp ứng được các quy định của Hải quan thì C/O đó sẽ bị bác bỏ và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều bất lợi về giấy tờ cũng như hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu. Dưới đây sẽ là một số điều mà các doanh nghiệp cần nắm rõ.

I/ KHÁI NIỆM C/O VÀ CÁC LOẠI C/O

1. Khái niệm C/O

C/O (Certificate Of Origin) là giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền hay đại diện có thẩm quyền tại nước xuất khẩu cấp để chứng nhận xuất xứ sản phẩm của nước đó theo các quy tắc xuất xứ.

2. Phân loại C/O

Có 2 loại C/O chính là: C/O ưu đãi C/O không ưu đãi. C/O ưu đãi được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi khi nhập khẩu hàng hóa vào các nước khác nhau.

3. Hồ sơ xin cấp C/O

Chứng từ xuất khẩu trong bộ hồ sơ xin cấp C/O form A, C/O form B, form Certificate...

  • Đơn đề nghị cấp C/O (Phụ lục 2).
  • Phiếu ghi chép (Phụ lục 3).
  • Bản sao tờ khai hải quan xuất khẩu.
  • Các bản C/O đã được khai đầy đủ, đúng quy định (thông thường là 1 bản chính và 3 bản copy).
  • Hóa đơn bán hàng/Hóa đơn thương mại.
  • Bản sao B/L hoặc AWB hoặc chứng từ vận tải khác.

Chứng từ chứng minh nguồn gốc trong hồ sơ xin cấp C/O mẫu A, C/O mẫu B, Giấy chứng nhận...

  • Chứng minh hàng hóa có xuất xứ thuần túy/toàn bộ: Doanh nghiệp khai theo mẫu bảng kê BK11 hoặc/và BK12 hoặc/và BK13 (Phụ lục 11).
  • Chứng minh hàng hóa có xuất xứ không thuần túy: Bảng kê nguyên vật liệu theo mẫu phù hợp (Phụ lục 11) và bản sao các chứng từ mua nguyên vật liệu như tờ khai hải quan nhập khẩu và/hoặc hóa đơn mua nguyên vật liệu và/hoặc các chứng từ khác phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
  • Một số chứng từ khác (nếu cần hoặc theo yêu cầu của các cơ quan chức năng): Giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận khai thác, … 

4. Các mẫu C/O phổ biến hiện nay

  • C/O form A: Việt Nam sang thị trường EU
  • C/O form D:
  • Là loại CO theo hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan dó hiệu lực chung (CEPT)
  • Chỉ cấp cho hàng hóa xuất khẩu từ một nước thành viên của ASEAN sang một nước thành viên ASEAN khác
  • C/O form E: Việt Nam- Trung Quốc
  • C/O form S: Việt Nam-Lào
  • C/O form AK: Việt Nam- Hàn Quốc
  • C/O form B: Việt nam-các nước khác

II/ CÁCH KIỂM TRA NỘI DUNG C/O HÀNG NHẬP KHẨU

1. ​Kiểm tra hình thức của C/O:

  • Trên C/O phải thể hiện dòng chữ FORM D/ FORM E/ FORM S/ FORM AK/ FORM AJ, ...
  • Số tham chiếu: mỗi C/O có một số tham chiếu riêng.
  • Các tiêu chí trên C/O phải được điền đầy đủ theo quy định.
  • Kích thước, màu sắc, ngôn ngữ và mặt sau của C/O phải theo đúng quy định của các Hiệp định và các văn bản pháp luật có liên quan.

2. Kiểm tra nội dung của C/O:

  • Kiểm tra đối chiếu dấu và/hoặc chữ ký trên C/O với mẫu dấu, và/hoặc chữ ký của người, và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp C/O đã được Tổng cục Hải quan thông báo cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố:
    • Thời hạn có hiệu lực của chữ ký của người có thẩm quyền cấp C/O.
    • Chữ ký của người cấp C/O phải thuộc danh sách chữ ký của Phòng cấp C/O đã được Tổng cục Hải quan thông báo (không chấp nhận trường hợp người ký trên C/O thuộc Phòng cấp này nhưng con dấu của Phòng cấp khác).
  • Kiểm tra thời hạn hiệu lực của C/O.
  • Kiểm tra sự phù hợp, thống nhất giữa các thông tin trên C/O với nhau và giữa nội dung trên C/O với các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan (tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, Thông báo kết quả xác định trước xuất xứ (nếu có)). Trong đó lưu ý:
    • Về tên người nhập khẩu: C/O phải thể hiện tên người nhập khẩu phù hợp với tên người nhập khẩu trên tờ khai hải quan.
    • Tên hàng: hàng hóa mô tả trên C/O phù hợp với hàng hóa khai báo trên tờ khai hải quan và chứng từ khác trong bộ hồ sơ hải quan.
    • Lượng hàng: trường hợp lượng hàng nhập khẩu thực tế lớn hơn hoặc nhỏ hơn lượng hàng trên C/O thì thực hiện theo hướng dẫn tại điểm d và đ khoản 2 Điều 26 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Lưu ý: Cơ quan hải quan xem xét chấp nhận C/O trong trường hợp số kiện hàng/ loại kiện hàng/số lượng/trọng lượng hàng hóa thể hiện tại ô khác với ô quy định trên C/O (ví dụ số kiện hàng và loại kiện hàng được ghi tại ô số 9 thay vì phải ghi tại ô số 7) và phù hợp với các thông tin trên chứng từ khác thuộc bộ hồ sơ hải quan; hoặc trường hợp C/O không thể hiện một trong những thông tin về số kiện hàng/số lượng/trọng lượng hàng nhưng cơ quan hải quan xác định được số lượng hoặc trọng lượng hàng hóa được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt qua việc kiểm tra, đối chiếu C/O với các chứng từ khác trong bộ hồ sơ hải quan.
    • Mã HS trên C/O: trường hợp có sự khác biệt về phân loại mã số HS giữa nước thành viên xuất khẩu và nước thành viên nhập khẩu nhưng không làm thay đổi bản chất xuất xứ hàng hóa thì xem xét chấp nhận.
  • Trị giá trên C/O: sự khác biệt về trị giá khai báo trên C/O với trị giá khai báo trên các chứng từ khác (hóa đơn thương mại, ...) không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O. Trường hợp có nghi ngờ về trị giá hải quan, công chức hải quan đề xuất Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tiến hành tham vấn giá.
  • Hóa đơn thương mại: đối với C/O có hóa đơn thương mại do bên/nước thứ ba phát hành, công chức hải quan kiểm tra các thông tin về bên/nước thứ ba trên C/O theo quy định tại Hiệp định và văn bản pháp luật liên quan.
  • Kiểm tra tiêu chí xuất xứ trên C/O: Kiểm tra cách ghi tiêu chí xuất xứ của hàng hóa trên C/O (theo tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng, hoặc tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, hoặc tiêu chí công đoạn gia công chế biến hàng hóa, tiêu chí xuất xứ thuần túy,...) được quy định tại các Quy tắc xuất xứ thực hiện Hiệp định thương mại tự do do Bộ Công Thương ban hành và phần hướng dẫn ở mặt sau C/O. 
  • Kiểm tra thông tin C/O gốc được thể hiện trên C/O giáp lưng, thời hạn hiệu lực của CO giáp lưng. C/O cấp thay thế: Kiểm tra thông tin xác nhận của cơ quan cấp (trên C/O hoặc theo văn bản thông báo của Tổng cục) về việc C/O được cấp thay thế theo quy định của Hiệp định.
  • Kiểm tra tính đầy đủ của các thông tin bắt buộc trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại các Hiệp định. Trường hợp tự chứng nhận xuất xứ theo Thông tư số 28/2015/TT-BCT thì kiểm tra các thông tin bắt buộc sau: mã số tự chứng nhận (mã số của doanh nghiệp được cấp phép), mã số HS, nước xuất xứ, tiêu chí xuất xứ, chữ ký của người có thẩm quyền được tự khai báo xuất xứ.
  • Kiểm tra nội dung chứng từ tự chứng nhận xuất xứ: Kiểm tra, đối chiếu tên thương mại, địa chỉ và mã số tự chứng nhận của doanh nghiệp, tên hàng, mã HS của hàng hóa, chữ ký và thời hạn hiệu lực của giấy phép tự chứng nhận, trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ với danh sách doanh nghiệp đã được Tổng cục Hải quan thông báo.
  • Kiểm tra tiêu chí xuất xứ và các thông tin khác: cách thức kiểm tra tương tự hướng dẫn trên.
  • Kiểm tra xuất xứ khi kiểm tra thực tế hàng hóa: Kiểm tra, đối chiếu các thông tin về xuất xứ ghi trên hàng hóa, bao bì, nhãn mác với nội dung khai báo của người khai hải quan trên Tờ khai hải quan, với kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan và đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
  • Kiểm tra sự thống nhất về xuất xứ trên hàng hóa, bao bì, nhãn mác.
  • Đối với hàng nhập khẩu là hàng lỏng, hàng rời, hàng không thuộc diện ghi nhãn hoặc hàng hóa có nhãn mác nhưng không thể hiện thông tin về xuất xứ thì kiểm tra hành trình của lô hàng để có cơ sở xác định xuất xứ hàng hóa.
  • Trong trường hợp cần thiết, tiến hành kiểm tra xuất xứ các linh kiện, bộ phận cấu thành sản phẩm hoặc lấy mẫu hàng hóa thực hiện phân tích giám định để có thêm thông tin, căn cứ xác định xuất xứ.

III/ 16 LÝ DO TỪ CHỐI C/O THƯỜNG GẶP

Khi KHÔNG chấp nhập C/O được hưởng ưu đãi thuế NK đặc biệt, Công chức Hải quan sẽ ghi lý do vào ô số 4 trên C/O.

  1. C/O cấp thay thế nhưng không đáp ứng quy định về cấp thay thế (thiếu dẫn chiếu số C/O ban đầu) / Replacement C/O does not meet replacement rule (No original reference number on replacement C/O).
  2. Tiêu chí xuất xứ không phù hợp (ví dụ: RVC, WO, CTSH, CTH...) / Ineligible origin criteria (for example: RVC, WO, CTSH, CTH...).
  3. Dấu, chữ ký trên C/O không có trong bộ dấu, chữ ký mẫu / Unrecognised/unmatched stamp or signature as provided to Viet Nam Customs.
  4. Khai báo trên C/O sai khác với khai báo trên tờ khai và thực tế hàng nhập khẩu (ví dụ: tên hàng, mã số HS, số lượng, trọng lượng...) / Information discrepancy between C/O and customs declaration OR between C/O and actual import (for example: commodity name, description, quantity, weight...).
  5. Mã số HS trên C/O không đúng với thực tế hàng hóa nhập khẩu khai trên tờ khai hải quan / HS code on C/O does not match actual goods in customs declaration.
  6. C/O được cấp sau nhưng không đánh dấu vào ô “Issued Restroactively” / Restroactively issued C/O but unticked “Issued Retroactively”.
  7. C/O được cấp sau nhưng đánh dấu vào ô “Issued Restroactively” không đúng quy định (chưa đến 3 ngày đã tích hoặc quá 3 ngày nhưng không tích) / Incorrectly ticked “Issued Retroactively”.
  8. Quá thời hạn xác minh mà cơ quan hải quan không nhận được kết quả / Verification results not received by customs administration within retroactive check time.
  9. Phụ lục đính kèm C/O không được cấp theo quy định / Ineligible annex/attachment to C/O.
  10. C/O cấp trong trường hợp có hóa đơn bên thứ 3 nhưng tại ô số 7 không thể hiện tên nước phát hành hóa đơn / Third party invoicing, invoice-issuing country not shown in box 7.
  11. C/O mẫu E cấp thay thế (Hiệp định không quy định) / Replacement C/O form E (not specified in the ACFTA)
  12. Tại ô số 1 C/O đứng tên người thừa ủy quyền (Mẫu E) / Name of entrusted party in box 1.
  13. Ô số 11 không có chữ ký của người xuất khẩu (Mẫu E, D...) / No exporter’s signature in box 11.
  14. Trường hợp lô hàng nhập khẩu quá cảnh qua một nước thành viên/không thành viên nhưng hồ sơ hải quan không có vận tải đơn chở suốt, chứng từ vận tải được cấp tại nước xuất khẩu / Transit through Member/Non-member countries, no through B/L or transportation documents issued in exporting country.
  15. Trường hợp hóa đơn bên thứ 3 nhưng C/O không cấp đúng quy định / Third party invoicing, incorrectly issued C/O.
  16. C/O không đúng thể thức quy định / Incorrect C/O form.

Nguồn: P Hợp đồng

Các bài viết khác

Copyright @ 2015 TECOTEC Group