Tin chuyên ngành

Hệ thống đo kiểm nòng Pháo (Phần 1)

Các hệ thống trang bị thiết bị vũ khí ngày càng hiện đại đòi hỏi việc kiểm định bảo trì phải được diễn ra một cách thường xuyên, đảm bảo tính chính xác và an toàn trong quá trình sử dụng. Đối với các hệ thống pháo, việc thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng nòng luôn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi hỏi độ chính xác cao. Để đáp ứng nhu cầu này, hiện nay trên thế giới có một số nhà sản xuất đã và đang phát triển các hệ thống đo kiểm nòng pháo nhằm phục vụ các ứng dụng đo kiểm các loại nòng từ việc đo đường kính trong, đo độ méo, độ cong, đến các ứng dụng đo các tham số về rãnh xoắn, hay các khuyết tật trong nòng.

Barrel Testing System là một trong những giải pháp đo kiểm nòng pháo hàng đầu thế giới ứng dụng các công nghệ tiên tiến giúp tăng độ chính xác và khả năng dễ sử dụng, đáp ứng hầu hết các nhu cầu đo kiểm của người dùng.

1. Giới thiệu chung

Hệ thống đo kiểm nòng pháo sử dụng công nghệ cảm biến đạc tam giác laser không tiếp xúc. Đây là công nghệ tiên tiến sử dụng các cảm biến laser hoạt động trên nguyên lý đạc tam giác, cho phép đo kiểm chính xác các tham số về khoảng cách, định vị, quét bề mặt và phát hiện biến dạng.

Theo nguyên lý đạc tam giác (triangulation), cảm biến sẽ phát ra tia laser tới mục tiêu, tia phản xạ sẽ được thu lại trên một thấu kính đặt ngay trong cảm biến (gần kề với nguồn phát laser).

Nguyên lý phép đạc tam giác sử dụng cảm biến laser

Thấu kính sẽ hội tụ ảnh của điểm đích trên một camera mảng tuyến tính. Bất kỳ sự thay đổi nào về khoảng cách giữa cảm biến và mục tiêu sẽ ngay lập tức thay đổi góc của tia phản xạ, do đó sẽ thay đổi vị trí của điểm ảnh trên phần tử thu (camera). Vị trí của điểm ảnh sẽ được xử lý để tính ra khoảng cách tới mục tiêu.    

          Cảm biến đạc tam giác laser

2. Các thành phần của hệ thống

Hệ thống bao gồm các thành phần chính:

a. Đầu dò tự động: bao gồm các mô đun

  • Mô đun đo laser: sử dụng hệ thống cảm biến tĩnh (đo nòng trơn) hoặc hệ thống cảm biến xoay (đo nòng xẻ rãnh).
    • Hệ thống cảm biến tĩnh.
    • Hệ thống cảm biến xoay.
  • Mô đun truyền động: khả năng tự đẩy cho phép đầu dò có thể di chuyển tự động dọc theo ống nòng trong quá trình đo kiểm.
  • Mô đun giám sát video: mô đun được bật ngay khi lắp vào đầu dò. Người sử dụng có thể kiểm soát độ sáng thông qua phần mềm. Hình ảnh từ camera có thể được hiển thị trực tiếp trên phần mềm, đồng thời cho phép người dùng có thể lưu lại dưới dạng file video hoặc file ảnh.
  • Mô đun cảm biến cong vênh: mô đun bao gồm một ma trận xác định dương (ma trận PSD) và một nguồn laser ổn định. Nguồn laser được đặt tại 1 đầu của ống nòng và phát tia laser xuyên qua nòng. Tia laser phát đi sẽ được hội tụ trên ma trận PSD đặt trong đầu dò tự động. Vị trí của điểm laser trên ma trận sẽ được xác định và cho phép tính toán ra độ lệch giữa đầu dò và tia laser. Do đầu dò được đặt ở tâm nòng và di chuyển dọc theo nòng, hệ thống có thể đo được độ cong vênh nhờ vị trí của điểm laser trên ma trận PSD
  • Mô đun cảm biến nhiệt độ: cảm biến nhiệt độ được thiết kế để bù méo cho kết quả đo do ảnh hưởng của thay đổi nhiệt độ xung quanh, cho phép đạt được độ chính xác cao ngay cả trên dải nhiệt độ rộng.
  • Mô đun đo độ nghiêng: được sử dụng để bù méo cho kết quả đo do ảnh hưởng của sự xoay hoặc nghiêng đầu dò.
  • Mô đun cảm biến khoảng cách laser: cảm biến được đặt ở phần cuối của đầu dò để xác định vị trí đầu dò trong ống nòng.

b. Ống nối dài: Đầu dò sẽ đo toàn bộ bề mặt trong nòng trừ phần đầu và phần cuối nòng (vùng không quá 60 mm). Tuy nhiên, có thể sử dụng một ống nối dài để có thể đo ở cả các vùng này.

Nguồn: P.RSI

Các bài viết khác

Copyright @ 2015 TECOTEC Group