Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định cụ thể về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2023.
Trở thành thành viên của tổ chức kinh tế thế giới WTO là một mốc vô cùng quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, khắc phục được tình trạng bị phân biệt đối xử trong buôn bán quốc tế như đối xử tối huệ quốc (MFN) không điều kiện, thuế quan thấp cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại với các nước, sự đối xử theo hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập và củng cố cải cách kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối diện với không ít vấn đề phát sinh, một trong những vấn đề nóng đó là gian lận thương mại ngày càng gia tăng.
Hiện nay, việc gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm các mục đích khác nhau diễn ra hết sức tinh vi, gây ra thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Việc phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ có ý nghĩa thiết thực trong việc chống thất thu thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ nguồn thu lớn cho ngân sách.
Do đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 33/2023/TT-BTC quy định cụ thể về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2023.
1. Trường hợp nào nhập khẩu hàng hóa phải nộp chứng nhận xuất xứ hàng hóa?
Căn cứ quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 10 Thông tư 33/2023/TT-BTC thì người khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải nộp cho cơ quan hải quan chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các trường hợp sau đây:
(1) Người khai hải quan muốn được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam và hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam;
(2) Hàng hóa theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để chứng minh hàng hóa được nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ không thuộc danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;
(3) Hàng hóa quy định theo Danh mục tại Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 33/2023/TT-BTC hoặc theo thông báo của các Bộ, ngành phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ để xác định hàng hóa không có xuất xứ từ các nước có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;
(4) Hàng hóa thuộc Danh mục theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương thông báo đang ở thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp hạn chế số lượng.
Trường hợp hàng hóa được miễn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cơ quan hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nêu trên nhưng người khai hải quan đề nghị nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì thực hiện khai theo quy định tại Điều 11 Thông tư 33/2023/TT-BTC.
2. Hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Căn cứ Khoản 4 Điều 10 Thông tư 33/2023/TT-BTC quy định hình thức của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa như sau:
- Đối với hàng hóa thuộc các trường hợp (1) nêu trên, người khai hải quan nộp bản giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho cơ quan hải quan theo quy định của Hiệp định thương mại tự do tương ứng;
- Đối với hàng hóa thuộc các trường hợp (2), (3) và (4) nêu trên, người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định nêu trên hoặc chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa không ưu đãi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu phát hành đáp ứng các thông tin tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 15 Thông tư 33/2023/TT-BTC, gồm:
+ Người xuất khẩu;
+ Người nhập khẩu;
+ Phương tiện vận tải;
+ Mô tả hàng hóa, mã số hàng hóa;
+ Số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng hàng hóa;
+ Nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ xuất xứ hàng hóa;
+ Ngày/tháng/năm cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;
+ Chữ ký của người có thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp điện tử thì cơ quan hải quan kiểm tra tính hợp lệ của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên trang thông tin điện tử hoặc phương thức khác thể hiện trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Nguồn: Phòng Hợp đồng