Hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, quá cảnh là ba loại hình hàng hóa trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu. Bài viết dưới đây làm rõ sự khác nhau giữa những loại hình hàng hóa này.
Nguyên tắc quản lý hải quan đối với hàng chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, quá cảnh
Hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, quá cảnh phải đảm bảo các điều kiện sau: giữ nguyên trạng hàng hoá, niêm phong; vận chuyển đúng tuyến đường, địa điểm, cửa khẩu và thời gian đăng ký trong hồ sơ hải quan.
1. Hàng hóa chuyển cảng
1.1. Khái niệm
Hàng hóa chuyển cảng là hàng hóa được hãng tàu làm thủ tục vận chuyển giữa các cảng (hoặc ICD) của Việt Nam để thực hiện lịch trình ghi trên vận đơn hoặc hợp đồng vận chuyển, trong đó:
- Hàng nhập khẩu chuyển cảng: là hàng hóa từ nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam, khi đến cửa khẩu nhập, hãng tàu tiếp tục vận chuyển đến địa điểm đích ghi trên vận đơn, để tại đó chủ hàng có thể làm thủ tục hải quan nhập khẩu.
Cảng đích có thể là cửa khẩu cảng biển quốc tế, cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế, cửa khẩu đường bộ, bưu điện quốc tế, cửa khẩu cảng sông quốc tế và cảng nội địa.
Hàng hoá nhập khẩu chuyển cảng do chính phương tiện vận tải nhập cảnh hoặc do phương tiện vận tải khác vận chuyển lô hàng đến cảng đích.
Ví dụ: Hàng nhập về dỡ tại cảng Hải Phòng, được hãng tàu làm thủ tục chuyển cảng bằng sà lan ra Cái Lân. Trên B/L ghi Cảng dỡ (Port of Discharge) là Hải Phòng, nhưng Nơi giao hàng (Place of Delivery) lại là Cái Lân. Chủ hàng khi đó cũng sẽ chỉ cần biết mình sẽ làm thủ tục nhập khẩu tại Cái Lân. Việc chuyển cảng từ Hải Phòng ra Cái Lân do hãng tàu tự thu xếp.
- Hàng xuất khẩu chuyển cảng: là hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu và đã giao cho hãng tàu tại địa điểm nhận hàng, nhưng không xuất khẩu tại đó, mà hãng tàu làm thủ tục và vận chuyển hàng đến cảng cửa khẩu (khác) rồi mới xếp lên tàu.
Cửa khẩu giao hàng có thể là cửa khẩu cảng biển quốc tế, cửa khẩu cảng hàng không dân dụng quốc tế, cửa khẩu ga đường sắt liên vận quốc tế, bưu điện quốc tế, cửa khẩu cảng sông quốc tế và cảng nội địa.
Hàng hoá xuất khẩu chuyển cảng do một hoặc nhiều phương tiện vận tải vận chuyển từ cảng giao hàng đầu tiên đến cảng xuất cảnh và ra nước ngoài.
Ví dụ: Hàng làm thủ tục hải quan xuất khẩu và giao cho hãng tàu tại Vũng Tàu. Chủ hàng đã làm xong nghĩa vụ. Hãng tàu tự làm thủ tục hải quan chuyển cảng đến xếp tàu tại Cát Lái, trước khi xuất tàu. Khi đó trên B/L sẽ ghi Nơi nhận hàng (Place of Receipt) là Vũng Tàu, và cảng xếp hàng (Port of Loading) là Cát Lái.
Như vậy qua khái niệm và ví dụ về chuyển cảng cho hàng xuất hay nhập khẩu ta có thể thấy hai đặc điểm quan trọng của hàng chuyển cảng:
- Hãng tàu tự làm thủ tục và thu xếp khâu vận tải để chuyển cảng, chủ hàng không cần quan tâm đến khâu này.
- Chủ hàng chỉ cần làm thủ tục hải quan tại địa điểm giao hàng (xuất khẩu) hoặc địa điểm nhận hàng (nhập khẩu) trên vận đơn.
1.2. Thủ tục chuyển cảng
1.2.1. Trách nhiệm của người vận tải
- Làm thủ tục hải quan để chuyển cảng hàng hoá.
- Luân chuyển hồ sơ hải quan giữa hải quan cảng đi, hải quan cảng đến.
- Đảm bảo nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan (nếu có), niêm phong của hãng vận tải trong quá trình vận chuyển hàng chuyển cảng.
1.2.2. Trách nhiệm của hải quan cảng đi
- Lập biên bản bàn giao: 02 bản.
- Niêm phong hồ sơ hải quan gồm: 01 biên bản bàn giao, 01 bản lược khai hàng hoá (bản sao), 01 vận tải đơn (bản sao), giao người vận tải chuyển cho hải quan cảng đến.
- Lưu 01 bản lược khai hàng hoá (bản sao), 01 vận tải đơn (bản sao), 01 biên bản bàn giao.
1.2.3. Trách nhiệm của hải quan cảng đến
- Tiếp nhận hồ sơ chuyển cảng và thực hiện giám sát cho đến khi hàng hoá được xuất khẩu, hàng hoá nhập khẩu làm xong thủ tục nhập khẩu.
- Lưu 01 bản lược khai hàng hoá, 01 vận tải đơn (bản sao), 01 biên bản bàn giao.
- Thông báo ngay cho hải quan cảng đi về việc tiếp nhận hàng hoá, hồ sơ chuyển cảng và tình hình hàng hoá chuyển cảng.
2. Hàng hóa chuyển cửa khẩu
2.1. Khái niệm
Hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá xuất khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa đến cửa khẩu xuất.
Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hoá nhập khẩu đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan, được vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hóa ở nội địa.
Ví dụ: hàng nhập về cảng Nội Bài, nhưng xin chuyển cửa khẩu để được làm thủ tục hải quan tại ICD Mỹ Đình vì lý do nào đó (chẳng hạn cho thuận tiện đi lại).
2.2. Hàng hóa nhập khẩu được chuyển cửa khẩu gồm:
- Thiết bị, máy móc, vật tư nhập khẩu để xây dựng nhà máy, công trình được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa là chân công trình hoặc kho của công trình.
- Nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng sản xuất được đưa về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất.
- Hàng hoá nhập khẩu của nhiều chủ hàng có chung một vận tải đơn được đưa về địa điểm kiểm tra hàng hoá ở nội địa.
- Hàng hoá tạm nhập để dự hội chợ, triển lãm được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm; hàng hoá dự hội chợ, triển lãm tái xuất được chuyển cửa khẩu từ địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm ra cửa khẩu xuất.
- Hàng hoá nhập khẩu vào cửa hàng miễn thuế được chuyển cửa khẩu về cửa hàng miễn thuế.
- Hàng hoá nhập khẩu đưa vào kho ngoại quan được phép chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về kho ngoại quan; hàng hoá gửi kho ngoại quan xuất khẩu được chuyển cửa khẩu từ kho ngoại quan ra cửa khẩu xuất.
- Hàng hoá nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập về khu chế xuất; hàng hoá xuất khẩu của doanh nghiệp chế xuất trong khu chế xuất được chuyển cửa khẩu từ khu chế xuất ra cửa khẩu xuất.
2.3. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa chuyển cửa khẩu
2.3.1. Đối với hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu
- Người khai hải quan: có đơn đề nghị chuyển cửa khẩu gửi Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu; nộp hồ sơ hải quan theo quy định; luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập với Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu; bảo đảm nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan, niêm phong của hãng vận tải trong quá trình vận chuyển hàng hoá từ cửa khẩu nhập đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu.
- Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu: tiếp nhận hồ sơ; đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu; ghi ý kiến xác nhận vào đơn xin chuyển cửa khẩu. Niêm phong hồ sơ hải quan theo quy định giao người khai hải quan chuyển cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập để làm thủ tục chuyển cửa khẩu cho lô hàng từ cửa khẩu nhập về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; tiếp nhận hàng hoá được chuyển đến từ cửa khẩu nhập; đối chiếu hàng hoá với biên bản bàn giao và xác nhận vào biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lập; làm thủ tục nhập khẩu cho hàng hoá theo đúng quy định; thông báo bằng văn bản cho Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập biết kết quả kiểm tra về các thông tin về hàng hoá đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập lưu ý.
- Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập: kiểm tra tình trạng bên ngoài của hàng hoá; lập biên bản bàn giao và giao hàng hoá cho người khai hải quan chuyển đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu; niêm phong hàng hoá thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này; thông báo cho Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu những thông tin cần lưu ý về hàng hoá.
2.3.2. Đối với hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu
- Người khai hải quan: nộp hồ sơ hải quan theo quy định tại Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu; đưa hàng hoá đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu để cơ quan hải quan kiểm tra thực tế hàng hoá (đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế); luân chuyển hồ sơ giữa Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu với Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất; đảm bảo nguyên trạng hàng hoá, niêm phong hải quan (nếu có) trong quá trình vận chuyển hàng hoá từ địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá đến cửa khẩu xuất.
- Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu: làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu theo đúng quy định; lập biên bản bàn giao, giao hàng hoá và hồ sơ hải quan cho người khai hải quan chuyển đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất.
- Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất: tiếp nhận hàng hoá; đối chiếu hàng hoá với biên bản bàn giao do Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu chuyển đến; giám sát hàng hoá cho đến khi hàng hoá được xuất khẩu.
3. Hàng hóa quá cảnh
3.1. Khái niệm
Hàng hóa quá cảnh là những loại hàng được vận chuyển hàng hóa từ nước này hay nước khác qua lãnh thổ một nước thứ ba trong thời gian quy định. Kể cả các hoạt động khác như truyền tải, lưu kho, phân tách đơn hàng và những hoạt động khác trong thời gian quá cảnh.
Ví dụ: Hoạt động vận chuyển từ Malaysia sang Lào, để vận chuyển mặt hàng này thường phải để hàng hóa từ Malaysia sang Việt Nam sau đó tiếp tục từ Việt Nam sang Lào. Vì vậy, hàng hoá đi từ Malaysia sang Lào phải chuyển qua nước thứ 3 là Việt Nam được gọi là hàng hoá quá cảnh.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh phải được thực hiện tại trụ sở hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên và cửa khẩu xuất cuối cùng.
Hàng hoá quá cảnh không qua lãnh thổ đất liền được lưu kho trong khu vực cửa khẩu.
Hàng hoá quá cảnh có lưu kho ngoài khu vực cửa khẩu hoặc đi qua lãnh thổ đất liền thì phải xin phép Bộ Thương mại.
3.2. Thủ tục thực hiện hàng hóa quá cảnh
3.2.1. Chứng tử phải nộp khi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa quá cảnh
- Bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh giữ nguyên trạng đi thẳng; quá cảnh chuyển tải sang cùng loại phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không (trừ hàng hoá quá cảnh đi thẳng bằng đường hàng không).
- Tờ khai hải quan hàng hoá quá cảnh và bản kê khai hàng hoá quá cảnh do người khai hải quan hoặc người đại diện nộp cho cơ quan hải quan cửa khẩu đối với hàng hóa quá cảnh phải lưu kho hoặc thay đổi loại phương tiện vận tải.
3.2.2. Trách nhiệm của cơ quan hải quan
Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh tiếp nhận bản kê khai hàng hoá quá cảnh hoặc tờ khai hải quan về lô hàng quá cảnh, niêm phong nơi chứa hàng hoá và xác nhận nguyên trạng hàng hóa trên bản kê khai hàng hóa và tờ khai hải quan (đối với trường hợp phải khai hải quan) và giao cho người điều khiển phương tiện vận tải chuyển đến cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh.
Trường hợp hàng hoá quá cảnh thuộc diện không niêm phong được thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên trạng hàng hóa từ cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh đến cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh.
Cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá xuất cảnh tiếp nhận bản kê khai hoặc tờ khai hải quan do cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh chuyển đến, kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan hoặc nguyên trạng hàng hoá để đối chiếu với các nội dung xác nhận của cơ quan hải quan cửa khẩu nơi hàng hoá nhập cảnh trên bản kê khai hàng hóa hoặc tờ khai hải quan quá cảnh để làm thủ tục xuất cảnh.
Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng làm suy chuyển niêm phong hải quan hoặc thay đổi nguyên trạng hàng hoá thì người vận tải, người khai hải quan, công chức hải quan đi cùng (nếu có) phải áp dụng các biện pháp để hạn chế tổn thất và báo ngay cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận hiện trạng của hàng hoá.
Nguồn: P. Hợp đồng