Ở mỗi quốc gia đều có những nét văn hóa riêng và ngay cả trong kinh doanh cũng áp dụng những nghi thức khác nhau. Để không phạm phải những điều tối kỵ, gây mất thiện cảm với các đối tác nước ngoài và tạo mối quan hệ thuận lợi thì cần phải nắm bắt những tập quán làm việc ở nơi đó trước khi “bắt tay” hợp tác.
Phong cách làm việc ở Mỹ:
Việc đúng giờ là rất quan trọng khi ở Hoa Kỳ, nhất là trong các cuộc họp. Nếu đến trễ năm phút thì phải có lời xin lỗi thì, muộn mười đến mười lăm phút thì trước đó phải gọi điện báo trước và xin lỗi. Việc đến trễ được xem như là thể hiện sự thiếu tôn trọng. Trái ngược với những quy củ về giờ giấc, các cuộc họp ở Mỹ lại thường diễn ra rất thoải mái và sôi nổi. Mọi người thường rất thẳng thắn đề xuất ý kiến của mình mà không ngại tranh luận. Ngoài ra, người Mỹ không có thói quen tặng quà cáp trong công việc vì như thế bị cho là nhận hối lộ. Nếu muốn bày tỏ sự cảm ơn trong công việc thì chỉ cần viết một bức thư.
Ở Mỹ mỗi khu vực lại có một phong cách riêng về trang phục công sở. Nếu như ở bờ biển phía Tây, người lao động thường ăn mặc giản dị thì bên bờ biển phía Đông lại có xu hướng mặc đồ trang trọng hơn. Song, dù ở đâu thì cũng không quá chú trọng tới giá trị của quần áo. Tại các thành phố lớn, người Mỹ có thể đi xem vở kịch nổi tiếng với quần bò trong khi ở châu Âu thì điều này là tối kỵ.
Phong cách làm việc ở Úc:
Tương tự người Mỹ, người Úc cũng coi trọng sự đúng giờ. Nhưng các cuộc họp của người Úc thường diễn ra một cách nhanh chóng, không thảo luận lan man mà đi đúng vào trọng tâm của vấn đề. Với họ cách tốt nhất làm việc đạt hiệu quả là ngắn gọn và chuẩn xác. Tuy nhiên, để tránh bị coi là bất lịch sử, khiếm nhã, trước khi đi đến quyết định thì đầu buổi họp cũng cần phải có những trao đổi ngắn.
Người Úc thường thích mặc những trang phục theo phong cách bảo thủ với những bộ vest đen, áo sơ mi trắng. Ngoài ra, trong các nghi thức trao đổi kinh doanh ở đây thì quà tặng cũng không được chú trọng. Riêng với những món quà nhỏ mang nét văn hóa của quê hương thì người Úc cũng vẫn sẽ vui lòng đón nhận. Và khi tặng những món quà này cũng không cần phải được đóng gói, trang trí kỹ lưỡng và cẩn thận.
Phong cách làm việc ở Anh:
Trái ngược với phong cách họp của người Mỹ và người Úc, trong các cuộc họp của người Anh thường không diễn ra ngắn gọn và thẳng thắn. Có những suy nghĩ hay chiến lược, họ sẽ giữ kín mà không đưa ra để thảo luận ngay.
Ở Anh, phong cách ăn mặc sẽ thể hiện sự thành công trong sự nghiệp. Thế nên, với người dân xứ sở xương mù diện những “bộ cánh” cao cấp hay những bộ đồ thiết kế đắt tiền là thể hiện sự giàu có và đẳng cấp. Bên cạnh đó, người Anh có xu hướng mặc quần áo theo kiểu cổ điển và thường chọn những gam màu tối như đen, xanh đậm và xám. Đặc biệt với phái mạnh, không nên mặc áo sơ mi có túi, nếu có thì phải để túi rỗng và không được để bất cứ thứ gì trong đó.
Phong cách làm việc ở Nhật:
Trong bất cứ tình huống nào, người Nhật thường tránh nói “Không”. Dù phản đối ý kiến hay không thích việc gì đó, họ cũng sẽ nói “Vâng” để tránh làm mất lòng nhau. Thêm vào đó, để từ chối thay vì nói thẳng “Không” thì họ thường nói những câu tế nhị hơn như “Điều đó khó có thể thực hiện”. Bên cạnh đó, với tư duy “một mũi tên đơn lẻ thường dễ bị bẻ gãy nhưng một bó mười mũi tên thì lại vững chắc”, người Nhật thường hướng tới phong cách làm việc nhóm hơn là chủ nghĩa cá nhân.
Nếu như ở Mỹ hay Úc đều không quá chú tâm vào văn hóa tặng quà thì ở đất nước mặt trời mọc lại ngược lại. Với người Nhật đây là việc vô cùng phổ biến trong các mối quan hệ kinh doanh. Các món quà phải được bọc cẩn thận. Hoa sen, hoa lily và bất kỳ loại hoa màu trắng nào đều tránh sử dụng trong các trường hợp này vì chúng thường được sử dụng trong tang lễ. Đồng thời con số 4 và 9 bị cho là không may mắn ở Nhật nên cũng cần tránh. Vào Giáng Sinh khi gửi thiệp chúc cũng không nên chọn màu đỏ vì màu này thường được dùng để thông báo tang lễ.
Phong cách làm việc ở Trung Quốc:
Với người Trung Quốc quần áo là một trong những “điểm cộng” để gây ấn tượng với đối tác trong công việc. Trang phục chất lượng cao và theo hướng bảo thủ sẽ vừa thể hiện đẳng cấp vừa tạo ra sự khiêm tốn. Ngoài ra, khi bắt tay không cần phải nắm chặt như ở phương Tây mà chỉ cần nhẹ nhàng và nhanh chóng. Đặc biệt không nên nhìn quá chăm chú vào đối phương vì như thế được cho là đang thể hiện sự thách thức.
Giống với người Nhật, tặng quà cũng là tập quán thông thường áp dụng trong kinh doanh ở Trung Quốc. Những món quà này thường được đưa vào cuối buổi gặp mặt hoặc trong tiệc liên hoan. Khi tặng quà nên đưa bằng hai tay và tránh tặng những thứ như đồng hồ, kéo hoặc những vật sắc nhọn vì với người Trung Quốc đây là những thứ mang tới điềm xấu.
Phòng Truyền thông – Marketing
(Tổng hợp)