Trong kinh doanh việc tạo ấn tượng và gây thiện cảm với đối tác từ những lần đầu gặp gỡ rất quan trọng. Chính vì thế, việc tìm hiểu phong cách cũng như tập tục làm việc ở mỗi quốc gia sẽ tạo thêm cơ hội để ghi điểm với đối tác, góp phần thúc đẩy sự hợp tác thuận lợi giữa 2 bên.
Phong cách làm việc ở Singapore:
Singapore là xã hội đa sắc tộc khi gồm ba dân tộc chính: Trung Quốc, Mã Lai và Ấn Độ, trong đó người Trung Quốc chiếm đa số. Điều này dẫn đến sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo. Trong tác phong làm việc, về giờ giấc thì dù là người gốc Hoa, Mã Lai hay Ấn Độ tại Singapore thì đều coi trọng sự đúng giờ. Thế nên nếu chẳng may đến trễ thì cần phải gọi điện thông báo trước. Bên cạnh đó, trong các cuộc gặp mặt thì với người gốc Mã Lai cần tránh hẹn gặp vào thứ Sáu hoặc trong tháng Ramadan (tháng ăn chay của người Hồi giáo).
Các cuộc đàm phán, thỏa thuận ở Singapore thường diễn ra với tốc độ chậm. Người Singapore không thích tranh luận nên đôi khi những thỏa thuận bằng miệng chưa chắc đã đạt được sự đồng thuận. Bên cạnh đó, người Singapore thường rất chắc về giá cả và thời hạn hợp đồng. Thế nên khi làm ăn với người Singapore phải chuẩn bị phương án nhượng bộ mà không khiến cho doanh nghiệp của mình bị thiệt thòi.
Văn hóa tặng quà không được khuyến khích tại đảo quốc sư tử, nhất là với những người làm trong Nhà nước vì dễ bị coi là nhận hối lộ. Tuy nhiên, nếu tặng quà để thay cho lời cảm ơn thì vẫn được chấp nhận. Món quà lớn thì nên được tặng trước sự chứng kiến nhiều người còn món quà nhỏ thì nên trao cho tất cả mọi người cùng lúc. Quà không cần phải quá đắt tiền, chỉ cần nhỏ nhắn như bút kèm logo của công ty cũng được trân trọng. Đối với người gốc Trung tại Singapore thì số 8 tượng trưng cho may mắn vì có nghĩa là thịnh vượng còn số 4 là điềm rủi vì có nghĩa là chết. Vì vậy, khi chọn một món quà có liên quan đến số thì hãy chọn số 8 và tránh số 4. Ngoài ra cũng không nên tặng đồng hồ vì cũng mang ý nghĩa chết chóc.
Người gốc Mã Lai thì thích màu xanh lá cây nên có thể chọn giấy gói quà màu này. Đồng thời cần tránh các sản phẩm từ da lợn và rượu vì những hàng hóa này trái với phong tục của người Hồi giáo. Tương tự, với người Singapore gốc Ấn Độ, không nên tặng các món đồ bằng da bò cũng như tránh màu đen và trắng bị cho là không may mắn.
Phong cách làm việc ở Đức:
Đức là một trong những quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới. Đặc biệt dù làm việc ít giờ hơn hầu hết các nước trong khối EU nhưng người Đức lại làm việc rất năng suất. Trung bình, người Đức thường làm việc 35 giờ/tuần và đi nghỉ 5 tuần/năm. Song, họ lại vẫn hoàn thành được 70% khối lượng công việc, hơn hẳn người Hy Lạp. Khi làm việc, người Đức tập trung hoàn toàn vào công việc mà không để mất thời gian vào những công việc mang tính giải trí khác như lướt facebook, trò chuyện…Người Đức cũng rất xem trọng việc đúng giờ. Việc đến muộn được cho là hành động bất lịch sử. Trong các cuộc đàm phán, người Đức thường luôn trình bày ngắn gọn và súc tích mà không quan tâm đến những chi tiết nhỏ xung quanh. Họ cũng thích sự thẳng thắn trong công việc.
Ở Đức, việc tặng quà cho đối tác kinh doanh không được phổ biến. Tuy nhiên trong các dịp lễ thì việc tặng quà tương đối là thông dụng. Quà tặng không cần quá đắt. Trong kinh doanh, quà tặng có thể là những vật dụng văn phòng như bút gắn logo của công ty mình. Khi được mời đến nhà người Đức thì nên mang theo hoa, rượu, chocolate hoặc món quà nhỏ mang bản sắc của quê hương mình. Tránh con số 13 và hoa hồng đỏ bởi loại hoa này thể hiện sự lãng mạn. Bên cạnh đó, hoa cẩm chướng, hoa ly và hoa cúc cũng cần phải tránh vì chúng hay được sử dụng trong đám tang.
Dù đi đâu, người Đức cũng ăn mặc rất chỉn chu. Sự xuất hiện và trình bày rất quan trọng với người Đức, nhất là trong kinh doanh. Họ thường thích mặc quần áo chất lượng tốt. Trang phục bình thường hoặc cẩu thả đều gây mất điểm với người Đức. Phái mạnh thường mặc trang phục kiểu bảo thủ, tối màu. Với phụ nữ không cần trang điểm đậm và đeo đồ trang sức lộng lẫy.
Phong cách làm việc ở Nga
Với người Nga, trong giờ giấc làm việc họ luôn muốn đối tác phải đến đúng giờ. Người Nga thường ít tin vào những văn bản không có chữ ký nên mọi giao dịch, văn bản cần phải được ký nhận. Thứ bậc rất quan trọng với người Nga nên họ thích làm việc với những người có cùng cấp bậc và vị trí trong kinh doanh. Trong các cuộc đàm phán, nếu đối tác nhượng bộ quá sớm sẽ bị người Nga cho là yếu thế, thậm chí là bị coi thường.
Người Nga rất vui khi được nhận quà, kể cả trong công việc. Một số món quà được đánh giá cao như rượu vang, rượu whisky, bánh ngọt, chocolate, trái cây, đồ dùng văn phòng, café hoặc trà. Đặc biệt không nên tặng vodka vì có thể bị hiểu là không có thành ý khi tặng quà. Nhiều người còn cho rằng đây là sự xúc phạm. Cùng với đó, hoa cũng là một trong những món quà được ưa thích nhưng cần phải tránh hoa màu vàng và trắng vì có ý nghĩa là mất mát. Đồng thời tránh tặng số hoa chẵn vì chỉ được dùng cho việc viếng tang.
Ở Nga có một câu tục ngữ “Họ gặp bạn tùy thuộc vào cách ăn mặc của bạn và họ nói lời tạm biệt phụ thuộc vào sự khôn khéo của bạn”. Thế nên, người Nga thường rất chú trọng đến quần áo và cách ăn mặc. Cũng giống người Đức, trang phục đi làm của người dân xứ sở bạch dương thường theo phong cách bao thủ khi nam giới mặc vest và đeo cà vạt. Nữ giới cũng mặc tương tự nhưng váy phải dài quá đầu gối. Giày dép nên được đánh bóng và sạch sẽ.
Phòng Truyền thông – Marketing
(Tổng hợp)