Ngày 23/11/2018 Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn số 6889/TCHQ-GSQL về việc chấn chỉnh việc khai thông tin Emanifest. Đây là quy định mới liên quan tới các hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan trong thời gian qua một số hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận khai báo một số chỉ tiêu thông tin chưa thống nhất, chưa đúng định dạng tại Hệ thống tiếp nhận thông tin Emanifest, gây khó khăn cho người khai hải quan, việc nhận hàng tại cảng, kho, bãi cũng như công tác quản lý của cơ quan hải quan. Đặc biệt, khi khai báo, làm thủ tục hải quan cho tàu biển nhập cảnh vận chuyển phế liệu, các hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận khai không chính xác tên hàng hoặc khai thiếu thông tin đối với trường hợp hàng hóa vận chuyển trên tàu là phế liệu dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, theo dõi, giám sát hàng hóa nhập khẩu là phế liệu.
Trước thực trạng trên, Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra và hướng dẫn các hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận khai báo thông tin về phương tiện vận tải và hàng hóa XNK trên Hệ thống E-manifest thực hiện khai đầy đủ, chính xác.
1. Manifest là gì?
Khi hàng cập cảng, hãng tàu sẽ nhận được A/N (Arrival notice – Thông báo hàng đến) từ đại lý ở cảng xuất hàng và có trách nhiệm khai báo với hải quan về lô hàng vận chuyển với các thông tin như: số vận đơn, tên hàng, số lượng, shipper, consignee, ngày tàu chạy, ngày phát hành vận đơn,… Khi các thông tin được khai trùng với thông tin khi người xuất khẩu gửi chi tiết bill cho hãng tàu thì hàng hóa đó sẽ được Hải quan thông qua và người nhận hàng đến lấy hàng.
Như vậy, việc hãng tàu khai thông tin hàng hóa với Hải quan được gọi là khai manifest: trong đó hãng tàu sẽ khai manifest cho MBL (master bill – vận đơn gốc) và forwarder sẽ khai manifest cho HBL (house bill- Vận đơn thứ). Người ta thường gọi Manifest là bản lược khai hàng hóa.
2. Tầm quan trọng của khai Manifest?
Khai Manifest sẽ quyết định đến việc người nhận hàng có được phép nhận hàng đó hay không. Khi consigneen (người nhận hàng) đến lấy hàng, hải quan sẽ đối chiếu các thông tin trên D/O (Delivery Order – Lệnh giao hàng) với thông tin khai manifest, nếu thông tin trùng khớp thì hải quan mới giao hàng. Vì vậy, việc khai manifest rất quan trọng để consignee nhận hàng sớm, tránh các trường hợp không lấy hàng được phát sinh thêm nhiều chi phí khác.
3. Khai E-Manifest trực tuyến
Hệ thống E-Manifest là hệ thống “Tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ khác có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh” dành cho người khai hải quan là các hãng tàu, đại lý hãng tàu và công ty giao nhận. Địa điểm tiếp nhận, xử lý thông tin là Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan, địa chỉ e-manifest.customs.gov.vn.
4. Quy định mới về khai E-Manifest
Đối với việc khai báo tên người nhận hàng hoặc tên người được thông báo: khai đầy đủ các thông tin cụ thể về doanh nghiệp theo thứ tự Mã số thuế#Tên doanh nghiệp#Địa chỉ. Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu là phế liệu người khai hải quan phải khai số Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo đúng hướng dẫn. Khai báo giữa các thông tin có ngăn cách là dấu #, trong đó có các tiêu chí liên quan đến doanh nghiệp khai báo như thông tin người nhận hàng và thông tin người được thông báo.
Đối với việc khai báo mã số HS: Mã số HS phải khai báo riêng tại tiêu chí “Mã hàng/ HS code” của Bản khai hàng hóa và vận đơn gom hàng, mã số HS gồm dãy các chữ số liền mạch, không ít hơn 4 chữ số, không gồm ký tự đặc biệt. Người khai hải quan không khai chung mã số HS với thông tin tên hàng, mô tả hàng hóa tại tiêu chí “Tên hàng, mô tả hàng hóa”. Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu là phế liệu thì mã số HS là tiêu chí bắt buộc phải khai và tương ứng với tên phế liệu thuộc danh mục ban hành kèm Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014. Người khai hải quan phải khai mã số HS gồm 8 chữ số theo hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo công văn 6889.
Đối với việc khai báo tên hàng, mô tả hàng hóa: tên hàng, mô tả hàng hóa phải ngắn gọn và khai báo theo thứ tự bắt buộc là Tên hàng # mô tả hàng hóa, đồng thời hướng dẫn khai báo giữa các thông tin có ngăn cách là dấu #, trong đó các tiêu chí liên quan đến hàng hóa khai báo là tên hàng, mô tả hàng hóa.
Đối với việc khai báo mã cảng, tên cảng: tại tiêu chí “Đặc điểm của chuyến đi” trên Bản khai chung, cần mô tả cụ thể theo mã cảng và tên cảng tương ứng. Tiêu chí cảng giao hàng/cảng đích, cảng xếp hàng, cảng xếp hàng gốc, cảng dỡ hàng là các tiêu chí bắt buộc phải khai tại bản khai hàng hóa và vận đơn gom hàng. Trường hợp tàu nhập cảnh chuyển cảng thì ngoài các tiêu chí bắt buộc nêu trên phải khai thêm tiêu chí cảng chuyển tải/quá cảnh.
Trường hợp các hãng tàu/đại lý hãng tàu/công ty giao nhận không khai báo cụ thể, đầy đủ thông tin hồ sơ hải quan của phương tiện vận tải theo quy định và trường hợp hàng hóa nhập khẩu là phế liệu không khai đúng trình tự, thứ tự, không chính xác theo hướng dẫn nêu trên thì không chấp nhận khai báo. Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục cho phương tiện vận tải nhập cảnh tiếp nhận và kiểm tra việc khai báo sẽ thông báo lý do chưa tiếp nhận và yêu cầu người khai hải quan khai bổ sung theo quy định.
Trường hợp các hãng tàu/đại lý hãng tàu/công ty giao nhận khai báo thông tin hồ sơ hải quan không đúng thời hạn quy định thì không được thực hiện thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải, cơ quan Hải quan thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và yêu cầu họ cung cấp và khai bổ sung thông tin theo quy định.
Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phải là phế liệu thì thời gian áp dụng triển khai thực hiện hướng dẫn tại Công văn số 6889/TCHQ-GSQL bắt đầu từ ngày 01/01/2019.
Nguồn: P Hợp đồng (Sưu tầm)