Tin chuyên ngành

Quy định về ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu

Nhãn mác hàng hóa là một trong những nội dung bắt buộc phải có trên hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên trong thời gian qua, lực lượng Hải quan đã gặp không ít khó khăn trong kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối với các nội dung liên quan đến nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nguyên nhân do nhiều mặt hàng nhãn mác thể hiện không rõ ràng, thiếu thông tin hoặc do doanh nghiệp cố tình làm giả nhãn mác theo cách tinh vi nhằm qua mặt Hải quan. Điều này đã gây khó khăn trong việc làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu cũng như việc xác định hành vi vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính. Để giải quyết những khó khăn đó, ngày 14/4/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017. Theo đó, Nghị định đã quy định rõ nội dung và cách ghi nhãn hàng hóa, trong đó nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm: Tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị đinh.

1. Danh mục những hàng hóa xuất nhập khẩu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 43/2017/NĐ-CP (không phải ghi nhãn):

  • Hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển.

  • Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển.

  • Hàng hóa đã qua sử dụng.

  • Hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ nội địa.

2. Một số điểm của Nghị định 43/2017/NĐ-CP về Nhãn hàng hóa có liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu:

- Đối với xuất xứ hàng hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Xuất xứ hàng hóa được ghi một trong các cách như “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm theo tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó (Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất không được viết tắt).

- Đối với tên hàng hóa phải đặt ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa.

Trong trường hợp hàng hoá xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định.

- Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

- Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá.

- Những hàng hóa không phải ghi nhãn phụ gồm: Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

3. Kiểm tra xuất xứ thông qua nhãn mác hàng hóa nhập khẩu: 

Kiểm tra, đối chiếu các thông tin về xuất xứ ghi trên hàng hóa, bao bì, nhãn mác với nội dung khai báo của người khai hải quan trên Tờ khai hải quan, với kết quả kiểm tra hồ sơ hải quan và đảm bảo phù hợp với quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa XNK.

- Kiểm tra sự thống nhất về xuất xứ trên hàng hóa, bao bì, nhãn mác. 

- Đối với hàng nhập khẩu là hàng lỏng, hàng rời, hàng không thuộc diện ghi nhãn hoặc hàng hóa có nhãn mác nhưng không thể hiện thông tin về xuất xứ thì kiểm tra hành trình của lô hàng để có cơ sở xác định xuất xứ hàng hóa. 

- Trong trường hợp cần thiết, tiến hành kiểm tra xuất xứ các linh kiện, bộ phận cấu thành sản phẩm hoặc lấy mẫu hàng hóa thực hiện phân tích giám định để có thêm thông tin, căn cứ xác định xuất xứ.

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được ban hành kịp thời đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn cho công đồng doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi cho công tác quản lý chất lượng và an toàn của hàng hóa, chống gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.         

Nguồn: P Hợp đồng (sưu tầm)

Các bài viết khác

Copyright @ 2015 TECOTEC Group